Cổng làng là biểu tượng văn hóa của làng quê bắc bộ. Cổng làng được sử dụng như là ranh giới giữa các làng, giữa làng với không gian bên ngoài. Trải qua nhiều năm tháng, cổng làng bây giờ không chỉ là nơi phân địa giới nữa, mà còn trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê Việt Nam.
1 Ý nghĩa của cổng làng
Cổng làng là công trình kiến trúc có từ xa xưa của người Việt, mang ý nghĩa vô cùng to lớn về giá trị lịch sử và văn hóa. Cổng làng có chức năng bao bọc, đánh dấu ranh giới của toàn bộ ngôi làng, giữa làng và không gian bên ngoài. Ngoài ra còn được ví như bộ mặt của toàn bộ ngôi làng, có kiến trúc thiết kể tùy thuộc vào văn hóa của ngôi làng đó.
Mỗi cổng làng đều có nét đẹp riêng để thể hiện văn hóa, bản sắc của mỗi làng quê. Hình ảnh cổng làng quê Việt Nam thường được xuất hiện trong các tác phẩm văn học, bài thơ hoặc trong các bộ phim truyền hình.
Trải qua nhiều hàng tram năm lịch sử, nhiều cổng làng quê Việt vẫn vẫn gìn giữ được nét đẹp của mình, thể hiện những nét đỉnh cao trong kiến trúc cổ của những ngôi làng thời kì đó.
Cổng làng không chỉ là nơi gắn bó của những người dân sinh sống tại đó mà còn là kỷ niệm của những người con xa quê, nơi lưu truyền những giá trị tốt đẹp để tiếp nối cho các thế hệ sau này.
2 Kiến trúc cổng làng
Về vị trí xây dựng, theo chức năng của nó thì cổng làng thường sẽ được xây dựng ở đầu làng, nằm trên con đường chính dẫn vào làng. Phần quan trọng giúp giao thông qua cổng gọi là vòm cổng. Vòm cổng được xây cuốn, theo cung vòm. Tùy theo vị trí, địa thế, điều kiện hay tay nghề của thợ mỗi làng mà vòm cổng có quy mô khác nhau, nhưng tất cả đều phải hài hòa, bảo đảm đi lại thuận tiện cho mọi người.
Để vòm cổng được chắc chắn, người ta bố trí hai trụ cổng, xây thẳng đứng, đắp vẽ hoa văn rất công phu.
Phần sát với mặt đường gọi là phần chân trụ. Phần giữa thì được gọi là thân trụ, phía trên thân trụ được đắp những câu đối. Tiếp đến là cổ trụ. Trên cùng được gọi là đầu trụ, được đắp trang trí công phu liền với cổng trụ gọi là lồng đèn. Trên lồng đèn có nơi đắp quả dành dành, có nơi đắp con nghê hoặc các con giống khác trông rất sinh động.
Liên kết giữ vòm cổng và trụ cổng là mặt cổng trang trí đắp nổi với những gờ chỉ hoặc các chữ hàm chứa ý nghĩa súc tích, thể hiện phương châm xử thế, quan niệm nhân sinh mang cốt cách của làng.
Phần trên cùng là mái cổng thường được lợp ngói che chắn. Đối với các đình cổ thì có thể sử dụng cả bê tông tạo dáng ngói để thay thế. Ở nhiều nơi có cổng làng lớn, trên cổng còn có vọng lâu có hai ba lớp mái, mỗi góc đều có đầu đao, mang dáng dấp đầu đao ở đình, chùa cổ.
3 Kết cấu cổng làng
Cổng làng xưa rất phong phú, đa dạng về kiểu dáng, chất liệu. Cổng làng xưa được xây bằng sự kết hợp nhiều loại vật liệu như gạch vôi vữa trộn với mật muối, lợp ngói, kết cấu rất bền chặt. Nhiều làng ở trung du, cổng làng được xây bằng đá ong là những sản phẩm truyền thống của xứ Đoài, như cổng làng Chi Quan, Văn Lôi ở Thạch Thất…Đáng kinh ngạc thay, những công trình như vậy có thể tồn tại cả trăm năm lịch sử.
Hiện nay đa số cổng làng được xây theo phong cách kiến trúc mới, sử dụng bê tông cốt thép là chủ yếu. Tuy vậy nhiều nơi vẫn tu bổ, bảo trì và giữ gìn để lưu giữ nét đẹp văn hóa của đất nước.
4 Mẫu cổng làng Việt Nam đẹp
Nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử dân tộc, Diễn đàn học xây dựng gửi đến các bạn bản vẽ mẫu cổng làng Việt Nam.
Các bản có thể tải bản vẽ đầy đủ kiến trúc và kết cấu theo đường dẫn [bản vẽ mẫu cổng làng]. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Nếu thấy bài viết có ích, hãy chia sẻ bài viết này nhé.